Ăn Mày Dĩ Vãng - Tác giả: Chu Lai

Chương 1

Tên người đàn bà ấy là Sương, Ba Sương, đã chết rồi, chết rõ mười mươi ngay trước mắt tôi, chính tay tôi đã đào mồ chôn cất để rồi từ đó, đằng đẵng suốt mười mấy năm sau, cứ mỗi lần bất chợt nhớ đến, hình ảnh Sương lại xoáy buốt vào tôi những nuối tiếc khắc khoải và cả những day dứt ngọt ngào.

Vậy mà Sương lại không chết, không hề chết!

Trời ơi! Nếu tôi không có chuyến đi vào Nam như cánh chim trốn rét muộn màng ấy, nếu như tôi không vô tình gặp lại, nếu như con người ấy đừng sống lại thì có lẽ cuộc đời tôi

Đó là vào một đêm hè oi ả, dự báo những trận mưa triền miên buồn dứt sắp đổ xuống vùng rừng mới được phục sinh bên dòng sông Hậu.

Tôi vừa mới chân ướt chân ráo ở ngoài kia vào để thực hiện một hành vi ngang trái và tội tình: đi tìm việc làm, đi tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời. Vâng! Đã ngót ngét bước sang cái tuổi năm mươi rồi mà còn lận đận bỏ xứ xa quê để tìm công ăn việc làm thì thật là tội tình! Nhưng hỡi ôi, biết làm sao được! Cuộc đời vốn dĩ nó vẫn cứ hững hờ trôi chảy như thế cũng như tự trong cái thâm tâm đã quá chán chường mệt mỏi của tôi, tôi đâu có tính ngồi viết lại những dòng này, một việc làm mà chỉ cần nhắc tới thôi là cũng đủ thấy rùng mình, quá đỗi dớ dẩn rồi. Viết Lại! Động từ ấy mới sáo rỗng làm sao! Viết Lại có nghĩa là Sống Lại, sống lại cái cuộc sống nửa sống nửa chết ấy thì coi như chết hai lần! Viết Lại! Chao ôi, cái hành vi ấy mới bốc mùi ngầy ngụa làm sao! Vậy mà tôi vẫn phải kể lại, phải viết lại như một thứ ma đưa lối, quỷ đưa đường, có cố tình lãng quên đi cũng chẳng được.

 

doc211 trang | Chia sẻ: baobinh26 | Lượt xem: 545 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Ăn Mày Dĩ Vãng - Tác giả: Chu Lai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút TẢI VỀ ở trên
 tay kềnh kệnh, hắn hiện diện trước cửa căn nhà lá như hiện thân của hung thần. Bằng đôi mắt bắt ánh đèn sắc lẻm, hắn nhìn lướt qua mặt tất cả mọi người rồi dừng lại ở khuôn mặt Ba Sương sau khi buông ra một tiếng cười nhạt:
- Thế là hội tụ ráo trọi tại đây những con người bất hạnh của cái buổi sáng nổ hầm. Bravô! Định phận khéo xếp đặt dữ ha - Hắn ung dung tiến lên một bước - nhìn trong mắt các vị, tôi biết các vị vừa nói cái gì và trong đầu các vị đang nghĩ gì. Các vị đang nguyền rủa tôi, đúng không? Có đúng vậy không hở bà giám đốc? Hắn ngồi xuống châm thuốc hút rồi quẳng cả gói ra bàn – Tốt thôi. Vẫn như cách đây hai mươi năm, tôi là phần tử lẻ loi. Một trên bạ Nhưng bao giờ tôi cũng là kẻ mạnh, trước kia cũng như hiện naỵ Hình như dáng điệu nhàu nát của các ông đã nói rõ điều đó. Có đúng không ông đại uý? Ông đội trưởng đặc nhiệm?
- Anh im đi! – Tiếng ông Tường ngột ngạt – Ít nhất khi đến nhà người khác, anh cũng nên tỏ ra lễ độ một chút.
- Lễ độ? – Hắn cười phá lên một tiếng khô gọn – Dạ, tôi xin lỗi về sự lỗ mãng mà từ xưa, ông đại úy trí thức đây đã khinh bỉ sâu sắc. Cảm phiền giùm đi – Hắn rút từ túi áo ngực ra một tập hoá đơn chìa trước mặt Sương - Kẻ lỗ mãng vô học này sẽ đi ngay đây nếu như bà giám đốc làm ơn ký hết cho tôi tập giấy này, ký từng cái. Vậy thôi.
Sương lúc này đã lấy lại được vẻ mặt bình thường, cô hất mạnh mái tóc đã có lác đác những sợi tóc bạc ra phía sau, tiếng nói rung mạnh ở những âm tiết cuối:
- Anh lại mặc cả? Suốt đời anh chỉ làm độc một việc là đi mặc cả với mọi người, với cuộc đời thôi ư? Thiệt quá sức ghê tởm!
- Được, cứ cho là thế đi – Hắn cười nham nhở – Nhưng tôi hứa với em (Tiếng em nhấn mạnh để khẳng định chủ quyền) đây là lần mặc cả cuối cùng. Sau lần này em sẽ không bao giờ phải nhìn thấy mặt tôi nữa. Thế là rũ sạch, nhẹ người, đúng không?
Hai tiếng “đúng không” lặp đi lặp lại đầy vẻ trịnh thượng của hắn đã là cú hích cuối cùng vào cơn giận đến lịm người đi của ông Hùng. Trước mắt ông, hắn loà nhoà trở lại nguyên hình là tên trung úy năm xưa đang lấy đầu gậy hất hất cánh tay bị gẫy quẹo của Sương ra khỏi lưng... Tôi đếm từ ba đến một... Nhưng cái gì đã khiến hắn có thái độ tự tin dường kia khi hắn biết mình đang đối diện với những kẻ đang căm ghét hắn tột cùng? Chỗ dựa Ba Sương hay điểm tựa cơ chế, pháp luật? Hoặc hắn chắc mẩm rằng động vào hắn chính là động vào danh dự cô ấy, chả dại gì?... Từ ba đến một... Cả một biển máu bầm tím đang dâng lên... Những linh hồn vất vưởng kêu khóc trong nghĩa trang... Cánh tay con quỷ đang quàng qua vai con chim sẻ... Từ ba đến một... Ông biết, chỉ cần một giây nữa, khi bàn tay ông chạm được vào cổ hắn thì có nghĩa là số phận hắn đã được định đoạt. Ông đưa tay ra, những ngón tay có bộ móng cáu bẩn tiến sát dần đến cái cổ bò mộng có cục yết hầu to tướng đang trồi lên trụt xuống... Sát nữa.
- Dừng lại, anh Hùng!
Tiếng ông Tường đột ngột vang lên phía sau lưng khiến ông chưng hửng lại một giây. Thế là thế nào? Sao lại cản? Chả lẽ khi cần, người ta lại đứng về phía nhau như bản chất chăng? Ông quay lại và ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên tay ông Tường đang có một khẩu súng nhỏ xíu. Tiếng nói ông vẫn nhột nhạt:
- Địch! Cả một đời cầm súng ta chưa biết bắn ai. Nhưng hôm nay ta sẽ bắn ngươi. Đừng ngạc nhiên. Biết rằng trước sau gì số phận cũng bắt ta đụng ngươi một lần nữa nên ta vẫn lưu giữ khẩu súng này. Giữ để chờ và hôm nay ngươi đã đến... Thiên hạ có thể cho ta là bạc nhược, suốt đời bạc nhược nhưng ít nhất, dù chỉ một lần, ta sẽ không bạc nhược với ngươi.
Gã tội đồ hoàn toàn bị bất ngờ trước tình huống này. Hắn đứng chết trân, đôi mắt hùm hụp hết nhìn họng súng lại nhìn gương mặt Sương, ảo não. Có lẽ hắn đã bắt đầu hiểu cái con người hiền lành đến nhu nhược này một khi đã biết giương súng lên là không hạ xuống nữa. Ông Tường lùi xuống nửa bước, nòng súng vẫn rung nhẹ, từ từ chếch lên nhằm giữa ngực hắn. Hắn ríu chân định lùi ra cửa nhưng cánh cửa đã bị đóng chặt. Hắn đành trượt theo tường như một con tê giác, lưng áo miết vào vôi vữa sàn sạt... Trời! Nếu như đúng lúc đó khẩu súng kia phát nổ hoặc ông Hùng không cho hắn chuyển động thêm nữa thì thảm kịch ấy đã có thể không xảy ra. Bởi vì sự chuyển động đã đưa hắn đến gần Sương. Vừa lúc ngón tay ông Tường siết vào vòng cò thì cũng là lúc Sương nhao người lên chen vào đứng giữa hai người:
- Đừng! Xin đừng bắn!... Sẽ có pháp luật. Đừng... 
Ông Hùng đột nhiên thấy tê dại trong người. Thì ra vào giây phút chót cùng, cô ta vẫn có ý bảo vệ cho hắn. Nét mặt sợ hãi, lo âu thật sự kia đã nói lên tất cả. Khốn nạn... 
Khoảnh khắc ngưng đọng ấy đủ để hắn kịp chộp lấy mái tóc vừa xổ ra của Sương kéo giật về phí mình. Tấm thân người đàn bà đã ngoài bốn chục tuổi nhưng vẫn lẳn gọn như con gái bỗng chốc trở thành tấm mộc che chắn kín đáo để tạo nên một lỗ hở trống hoác trong đầu ông.
- Hú vía! – Hắn nhe răng cười – Chút nữa chết bởi tay thằng cha nước lợ này thì quá uổng. Nước lợ bao giờ cũng là nước lợ chứ không trong lại được đâu ngài đại úy ạ! Đúng ra thằng bắn tao, thằng có quyền bắn tao là đồng chí đội trưởng đặc nhiệm kia chứ không phải là mày, một thằng sĩ quan phản lại đội ngũ. Ân oán giang hồ, trận tuyến chưa hợp nhất, nó chỉ ngấm ngầm đổi dạng thôi các ông bạn đồng chí ơi!
Trong cánh tay ghì chặt của hắn, Sương bỗng thốt lên một tiếng đau đớn, cổ ngoẹo xuống, mắt trợn lên, bộ ngực thở giật giật... Ông Hùng nhao người lên:
- Bỏ cô ấy ra! Bỏ ngay ra rồi cút đi đâu thì cút! Mày không thấy cô ấy đang có một vết thương ở đầu à? Bỏ!
- Biết chớ nhưng bỏ sao được mà bỏ – Hắn nhìn xuống thân thể Sương rất nhanh rồi nhìn lên, ánh mắt đanh lại, man dại – Rất tiếc trận ấy tao để sổng mày, thằng đặc nhiệm ạ! Còn bây giờ đến lượt mày sẽ phải để sổng tao. Sòng phẳng, như cũ, chỉ có một cái khác: thi thể người đàn bà này sẽ không bao giờ bọn mi còn có dịp tráo đổi nữa. Chào! Tiên sư chúng mày!
Bằng sức vóc bò mộng, hắn đẩy mạnh Sương về phía hai người rồi lao văng vào bóng đêm... Để mặc cho bạn ở lại với nạn nhân vẫn đang từng hồi co giật, ông Hùng giằng lấy khẩu súng vội vã đuổi theo... Khốn khổ thay, mười mấy năm trời chỉ quen ngồi ỳ một chỗ gặm nhấm cay đắng, buồn vui, bây giờ làm sao có thể đuổi kịp hắn? Mới chạy theo được một đoạn, hai đầu gối ông đã muốn nhủn ra. Chạy thêm đoạn nữa, hai chân ông ríu vào nhau rồi hoàn toàn khụy hẳn. Ông đành dừng lại, thở dốc nhìn hút theo con lộ mênh mang vắng lặng, để mặc cho hai dòng nước mắt cay đắng, bất lực chảy ra... 
Xiêu vẹo đi trở lại, vừa đến bậu cửa, ông đã được nghe tiếng ông Tường thông báo:
- Cô ấy chết rồi! Vết thương cũ trên đỉnh đầu không chịu nổi cú sốc này.
Ông nhủi người ngã vật xuống.
***
Bạn đọc thân mến!
Câu chuyện về một mảng đời trong cuộc hành trình tìm về dĩ vãng của tôi có thể kết thúc được ở đây. Còn điều gì đáng nói nữa khi tôi phải tạm biệt nơi này, ngôi nhà trong vườn cà phê với một tâm trạng quá đau buồn như thế.
Sau khi đã miễn cưỡng hoàn tất các thủ tục làm chứng của một vụ án hình sự giết người thông thường, chúng tôi, lúc ấy đã hội tụ đầy đủ cả bốn người, bảo nhau đưa Sương lên xe riêng của Tuấn mang về chôn cất ở bìa rừng năm xưa, cách nghĩa trang liệt sĩ không xa lắm.
Vậy là cái khoảng đất cao ráo tại bìa rừng ấy đã hai lần đón em vào lòng. Một lần giả, một lần thật. Em sẽ không bao giờ có lại trên đời này nữa! Sương ơi!... Thế là thằng Viên nó nói vẫn đúng: Số phận hai đứa gắn bó với nhau thật nhọc nhằn và rồi cuối cùng em vẫn đi trước tôi! Cớ sao trời lại cứ bắt phải như thế mà không đổi ngược lại được?
Dàn hàng ngang, mỗi người cắm một nén nhang lên mộ em xong, tột cùng u uất và thấy chả còn gì dính líu đến mảnh đất này nữa, tôi nói ngày mai sẽ tạm biệt tất cả để lên đường trở ra ngoài kia. Sao lại trở ra ư? Tôi đã tính di cư vào ở hẳn trong này để sống nốt những năm tháng chót cùng với vùng kỷ niệm của mình kia mà? Biết trả lời với bạn bè thế nào đây? Nghẹn lời lắm! Có lẽ tốt nhất là chưa nên trả lời gì cả.
Cản giữ không được, ba người bạn đành gật đầu và nói tôi cứ yên tâm đi rồi nhanh chóng trở lại, chuyện thằng giết người kia ở lại họ sẽ lo, nếu chính quyền không tìm ra thì nhất định họ sẽ lùng được hắn, nhân danh đồng đội, nhân danh những người đã ngã xuống và những người đang sống vất vả trên đời này, với thằng như thế không thể nào để cho tồn tại được.
Họ bịn rịn đưa tôi lên Sài Gòn, quyết định làm một tiệc nhẹ chia tay rồi từ đó tiễn tôi lên tàu. Bạn bè bảo tôi là chủ xị, để mặc cho tôi cái quyền được chọn cửa hàng. Khổ! Xứ lạ quê người, tôi có biết cửa hàng nào đâu? Và giây phút bất chợt đó, tôi bỗng nhớ đến cái nhà hàng lần đầu tiên gặp em nằm cách đây ba trăm cây số. Thật rụt rè, tôi để lộ ý này. Họ ưng thuận ngay.
Thế là cả bọn kéo về chốn cũ, căn phòng cũ, chỉ thiếu có Quân và... bóng hình cùng tiếng nói vuốt nhọn những âm tiết cuối cùng của em. Buồn man mác, nước mắt lại muốn trào ra... Nhanh quá! Mới chỉ có hai tháng, tôi còn ngồi đây, kẻ ăn mày dĩ vãng, em còn đứng ở đó, người trốn chạy quá khứ, vậy mà... Mới chỉ có hai tháng thôi!
Thấy phòng bên có tiếng hát quen quen, tiếng nhạc nhè nhẹ, như có sự mách bảo của vô thức bên trong, tôi bần thần đứng dậy nhìn sang... Nhưng ngay sau đó lại ngồi xuống. Ở đó, ngồi cạnh một gã đàn ông trạc tuổi tôi nhưng hồng hào, béo tốt, cô bé người Hoa xinh đẹp dạo nào cũng lại đang cho ngón tay cái của gã vào miệng nhá nhá và nước mắt cũng đang lăn ra. Có một tiếng nổ nhỏ ở trong đầu, tôi đứng dậy:
- Bữa nay mình là chủ xị phải không?
- Còn bàn cãi gì nữa – Ba Thành nói.
- Vậy dẹp đi! Và bây giờ lên xe trở lại nhà thằng Tuấn. Sẽ nhậu tại đó
- Còn chuyến tàu? – Tuấn hỏi.
- Cũng dẹp luôn! Tao sẽ ở lại với chúng mày để tìm bằng được tên giết người đó.
- Hay! – Ba Thành kêu to – Vậy mới đúng là mày. Tất cả lên xe! Tao chỉ huy.
Tất cả đi ra hết, tôi còn nán lại một chút với dáng hình em vương vấn ở đâu đó. Tôi muốn nói với em một lời: cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả. Phải vậy không em?
Chính thế mà tôi ở lại.
Hết 

File đính kèm:

  • docĂn Mày Dĩ Vãng.doc
Bài giảng liên quan