Bài tập - Thầy Liên
I.Cuộc đời và sự nghiệp của nhà sử học Ngô Sĩ Liên :
1, Hoàn cảnh lịch sử :
Vào nửa sau thế kỷ XIV, xã hội Đại Việt rơi vào một cuộc khủng hoảng to lớn : chính trị không ổn định, sản xuất đình đốn, đói kém thường xảy ra. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, nguy cơ ngoại xâm đe dọa.
Năm 1400, Hồ Quý Ly buộc vua Thiếu Đế của nhà Trần nhường ngôi cho mình và lập ra triều Hồ. Trong bảy năm cầm quyền, Hồ Quý Ly tiến hành nhiều cải cách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng nhà Minh lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ" đã xâm lược Đại Việt, thiết lập nền đô hộ trên đất nước ta. Quân Minh chẳng những đàn áp đẫm máu những cuộc đấu tranh của nhân dân ta, thực hiện chính sách bóc lột tàn ác mà chúng còn tiến hành âm mưu hủy diệt nền văn hóa dân tộc. Chúng đã thiêu hủy, cướp các sách vở của người nước ta biên soạn mang về Trung Quốc. Vua Minh ra lệnh "một mảnh giấy, một nửa chữ cũng không đựơc để lại". Nhiều công trình văn hóa của nước ta bị thiêu hủy hay cướp về Trung Hoa, trong đó có Hình thư, Luật thư thời Lý Trần, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn
Tuy nhiên, trong 20 năm đô hộ nước ta, quâm Minh không thể nào đàn áp cuộc đấu tranh mạnh mẽ giành độc lập của nhân dân ta. Chúng cũng không thể nào hủy diệt được nền văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của người Việt và áp đặt, cưỡng bức nhân dân ta theo lối sống, văn hóa phương Bắc. Do đó, văn hóa dân tộc vẫn được bảo tồn, như sử nhà Minh thừa nhận "Còn các nơi biên cương, hương lý xa xôi vẫn giữ tục cũ, chưa bỏ hẳn được".
Cuộc kháng chiến chống Minh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi từ 1418 - 1428 đã giành được thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Lê ( Hậu Lê ). Về danh nghĩa, triều Lê tồn tại 361 năm, trong đó đời vua Lê Thánh Tông là thời kỳ cực thịnh nhất với sự hoàn thiện bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, với nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục Chiến công huy hoàng chống ngoại xâm và những thành công trong việc xây dựng đất nước làm cho niềm tự hào dân tộc được khẳng định thêm, việc nghiên cứu lịch sử được phát triển, nở rộ. Ngay từ buổi đầu mở mang triều đại, nhà Lê đã thành lập Viện Quốc sử để ghi chép những trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm. Triều đình đặt ra các chức Tu soạn, Tu sử, Đổng tu sử để tập hợp những người học rộng chăm lo việc viết sử. Ơ Viện Quốc sử dần dần xuất hiện những nhà sử học tài năng, còn để lại nhiều công trình lịch sử quý giá. Ngô Sĩ Liên đã xuất hiện trong nền sử học nước nhà trong hoàn cảnh đó.
2,Thân thế và sự nghiệp Ngô Sĩ Liên :
Ngô Sĩ Liên là một trong những nhà sử học lớn nhất thời đại phong kiến, nhưng tư liệu về tiểu sử, hành trang của ông thì rất ít ỏi và có chỗ không được rõ ràng lắm. Ông người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, nay là xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục và văn bia Ngô tiên sinh di tích ký, ông thọ 99 tuổi ta tức 98 tuổi. Theo một vài tư liệu gia phả thì ông có tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Có một điều chắc chắn là ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ ba đời Lê Thái Tông, tức năm 1442, khoa thi hội lấy đỗ Tiến sĩ đầu tiên thời Lê sơ. Sau khi thi đỗ, với độ tuổi còn đang sung sức, với đức độ và tài năng cộng với sự từng trải, Ngô Sĩ Liên bắt đầu bước vào con đường hoạn lộ bằng chính tài năng và đức hạnh của mình. Ông bắt đầu ra làm quan với triều vua Lê Nhân Tông (1443 - 1459).
Theo thông lệ của triều Lê, tiến sĩ vinh quy rồi lại trở vào kinh, lúc đó triều đình mới trao cho quan chức: Trạng nguyễn được làm Thị giảng, Bảng nhãn làm Thị thư, Thám hoa làm Thị chế, Hoàng giáp làm Hiệu lý, còn hàng Tiến sĩ thì bắt đầu từ chức Cấp sự trung. Theo quy định thời Lê, tiến sĩ bước đầu ra làm quan mang hàm tòng thất phẩm. Không biết lúc bước vào con đường hoạn lộ Ngô Sĩ Liên đã đảm nhiệm chức quan gì, chỉ biết rằng vào cuối đời vua Lê Nhân Tông ông đang được trọng dụng và giữ chức Đô Ngự sử. Ông còn giữ chức vụ này qua thời kỳ Lê Nghi Dân cho đến năm Tân Tị (1461), sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi.
Sau biến cố cung đình cuối thời Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân lên ngôi được mấy tháng thì bị lật đổ, Lê Thánh Tông lên thay. Vì đã từng gắn bó với đời vua trước, lại mấy lần dâng lời can gián trái ý vua, nên đến năm Tân Tị (1461) Ngô Sĩ Liên cùng với Nghiêm Nhân Thọ bị biến chức. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép, năm Tân Tị (1461) "vua dụ bảo Đô Ngự sử đài là Ngô Sĩ Liên và Nghiêm Nhân Thọ rằng: Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, tuân theo điểm cũ của Thánh tổ thần tôn nên mới đầu xuân tế giao, ngươi lại bảo tổ tôn đặt ra tế giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức Hầu cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự trong triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức bị tay ta mà mất nước, người không biết vì ăn lộc mà chết theo, lại đi thờ ta "
ợc chính thức đưa vào quốc sử. Đây là việc làm thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao lịch sử lâu đời của đất nước và cũng để đáp ứng yêu cầu nhận thức lịch sử và tinh cảm dân tộc đã trưởng thành thời ấy. Trong lời bình giá những anh hùng đánh giặc cứu nước, những sự kiện liên quan đến vấn đề dân tộc thì Ngô Sĩ Liên đã vượt lên trên những hạn chế của Nho giáo, đưa ra những lời đánh giá tràn đầy lòng tự hào dân tộc. Chẳng hạn ông viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng: "Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống cơ hồ được khôi phục, khí phách anh hùng không những là lúc sống dựng nước xưng vương mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa". Ông đề cao tinh thần chiến đấu ngoan cường vì dân tộc, chỉ trích những hành động không hết lòng với xã tắc. Ông phê phán Lý Phật Tử hàng giặc bằng lời lẽ nghiêm khắc: "Dù khốn đến cùng cũng phải quay lưng vào thành đánh một trận, thề tử thù cùng với xã tắc mất còn, rồi sau mới không hổ thẹn". Ông ca ngợi Đặng Dung "tuy thất bại vẫn vinh quang, vì sao vậy? Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng năm năm kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng đến lúc kiệt sức mới thôi. Lòng trung vì nước của người tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được". Quốc gia Đại Việt nước nhỏ dân ít, lại luôn phải đối diện với các đế chế phương Bắc, bị bọn phong kiến phương Bắc coi là Nam Man. Song Ngô Sĩ Liên không tự ti dân tộc, sử bút của ông luôn toát lên niềm tự hào mạnh mẽ vì nguồn gốc dân tộc và sự trường tồn vững chắc, ngang bằng với phương Bắc của quốc gia Đại Việt. Từ đó ông luôn nêu vấn đề quốc thống - ở đây không phải là chính thống một triều đại, một dòng họ cụ thể mà là lời nói về vận mệnh của đất nước. Dân bản, nhân nghĩa - nguồn gốc của thắng lợi: Ngô Sĩ Liên bàn luận nhiều đến an dân, thuận lòng dân. Ông nhìn thấy sức mạnh nằm trong dân chúng "mệnh trời là ở lòng dân". Ông đề cao lòng dân, có dân ủng hộ thì mọi việc đều thắng lợi, dân không ủng hộ thì mọi việc có thể bị thất bại. Thắng lợi của Lý Thái Tổ là do "thuận lòng dân", còn thất bại của Hồ Quý Ly vì "thả sức bạo ngược hại dân, bị dân từ bỏ". Nội dung dân bản ở Ngô Sĩ Liên còn là sự lo lắng đến đời sống của người lao động, chủ yếu là nông dân. Thương dân là phải tiết kiệm sức dân, làm cho dân yên, dân đông, dân giàu. Ông bình luận về Lý Thánh Tông "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, an ủi người gần đáng gọi là bậc vua tốt. Song nhọc sức dânphí của dân, đó là chỗ kém" và ông khen Lý Thái Tông "tự cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tôn miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông. Nên thay". Đồng thời Ngô Sĩ Liên còn đề cao tư tưởng nhân nghĩa, đó là thương dân, thân dân. Bình luận về việc thái hậu Linh Nhâm nhà Lý năm 1103 phát tiền ở kho nội phủ để chuộc các cô gái nghèo phải bán đi, đem về gả cho người góa vợ, ông viết "Con gái nghèo đến phải độ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy". Nhân nghĩa theo Ngô Sĩ Liên cũng chính là lòng nhân đạo. Cảm khái trước nghĩa cử của vua Lý Thái Tông khi xuống lệnh "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha", ông bình luận "Tấm lòng ấy của vua cũng như tấm lòng của Tống Thái Tổ chăng ? Truyền ngôi được lâu là phải lắm". Ông cho rằng lòng nhân phải được thể hiện ở việc nghĩa, làm việc nghĩa trước hết là vì lòng nhân. Ông viết Nam Tấn Vương nhà Ngô dấy binh đánh Dương Tam Kha là "lấy nghĩa trừ bạo tàn, khôi phục cơ nghiệp cũ, đủ thỏa được vong linh của tổ tông, hả được lòng căm giận của thần. Thế là vì lòng nhân". Ông phê phán Hồ Quý Ly tàn ngược quá đáng, không có lòng nhân nên "Người trong nước giết chúng không được thì người láng giềng có thể giết". Nhưng lòng nhân theo Ngô Sĩ Liên không phải là thứ lòng nhân dành cho mọi trường hợp. Ông luôn nhấn mạnh đến khuôn phép, hình pháp. Lòng nhân mà xa rời khuôn phép thì là đắc tội vậy. Bình luận việc Lý Thái Tông xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước, ông viết "phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ, năm bực hình phạt, có trên có dưới sao lại có thể tha bổng được? Nếu nhất loạt tha cả thì kẻ tiểu nhân may mà được khỏi tội, đó không phải là phúc cho người quân tử". Ông phê phán cách xử tội không phân minh của Lý Anh Tông "Giết người thì phải xử tội chết, đó là phép của đời xưa. Nay tội giết người cũng xử như tội khác, thật là không phân biệt mức độ, mất sự cân nhắc nặng nhẹ". Nội dung dân bản và nhân nghĩa ở Ngô Sĩ Liên liên quan chặt chẽ với nhau và ông coi đó như là tư tưởng cơ bản của phép trị nước. II. Đại Việt sử ký toàn thư: Bộ Đại Việt sử ký toàn thư còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông, tức năm 1697. Ngô Sĩ Liên đã khởi đầu và đặt cơ sở cho việc xây dựng bộ Quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, trên cơ sở hai cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên. Vì vậy, có thể xem Đại Việt sử ký toàn thư là tác phẩm của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên. Vào thế kỷ XVI - XVII, với những đóng góp bổ sung của Vũ Quỳnh (1452 - 1516), Lê Tung, Phạm Công Trứ (1600 - 1675) và Lê Hy (1646 - 1702), bộ Quốc sử của dân tộc ta - Đại Việt sử ký toàn thư - được in lần đầu tiên vào năm 1697. Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử lớn của nước ta là một tập đại thành của nhiều sử gia. Từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh thời Lê sơ, đến nhóm sử thần Lê Hy đời Lê trung hưng, trải qua gần 425 năm mới hoàn thành. Trên bốn thế kỷ, qua nhiều thế hệ sử gia soạn thảo, bổ sung, chỉnh lý, nhuận sắc, Đại Việt sử ký toàn thư là một sản phẩm tiêu biểu của nền sử học nước ta vào các thế kỷ XIII - XVIII. Tuy có nhiều người tham gia biên soạn,hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư, song công lao của Ngô Sĩ Liên là to lớn nhất. Trong Đại Việt sử ký toàn thư năm Chính Hòa 18, ở quyển XI viết về triều vua Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông đã ghi rõ là " Triều liệt đại phu Quốc Tử Giám tu nghiêp kiêm Sử quan tu soạn thần Ngô Sĩ Liên biên". Trong bài tựa Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho biết: "Đến đời Hồng Đức (1470 - 1497), Tế tửu Ngô Sĩ Liên chép từ thời Thuận Thiên (1428 - 1433) đến đời Diên Ninh (1454 - 1459) làm Tam triều bản kỷ, kể việc cũng kỹ và có mối rường" Đóng góp của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư có thể xác định là viết Bài tựa, Biểu dâng sách, Phàm lệ và những đoạn bình luận lịch sử. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử biên niên được thực hiện theo quan điểm chính thống của triều đại phong kiến nước ta đương thời. Tư tưởng Nho giáo quán triệt trong biên soạn, nhằm làm cho người đọc tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức phong kiến, phục vụ việc bảo vệ, củng cố các vương triều. Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư đã có một hệ thống sử liệu gốc, cơ bản nhất và xưa nhất của sử học Việt Nam. "Nó đã đúc kết và phản ánh những thành tựu của nền sử học cổ truyền Việt Nam trong thời kỳ hình thành và phát triển đầu tiên của nó" (Phan Huy Lê - Đại Việt sử ký toàn thư). Nét nổi bật trong Đại Việt sử ký toàn thư là tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ vầ lãnh thổ cương vực thống nhất, toàn vẹn. Bộ sử thể hiện quan điểm đúng đắn về nguồn gốc giống nòi, niềm tự hào chính đáng về quá khứ vẻ vang của dân tộc "Kể từ khi kế nối mở cõi nước Nam, thật đối ngang triều Bắc. Rường mối ức vạn năm, với trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị, so xưa có sáng. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau mà hào kiệt đời nào cũng có" (Ngô Sĩ Liên). Đáng trân trọng là những lời bàn (bình luận) về sự việc, con người trong lịch sử, đặc biệt là những anh hùng dân tộc, các chiến công trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Các tác giả cũng có những nhận định xác đáng về những thất bại nhục nhã của bọn cướp nước và số phận bi đát của bọn phản dân hại nước. Bố cục của bộ Đại Việt sử ký toàn thư: Bộ Đại Việt sử ký toàn thư khắc in năm 1697 - bản Chính Hòa - gồm phần đầu và 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675. Bố cục của bộ sử như sau: Phần đầu: gồm các Lời tựa của Lê Hy, Phạm Công Trứ, Ngô Sĩ Liên, Biểu dâng sách của Ngô Sĩ Liên, Phàm lệ, Kỷ niên mục lục và bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung. Ngoại kỷ: gồm 5 quyển, chép từ họ Hồng Bàng đến các sứ quân. Quyển 1: kỷ họ Hồng Bàng, kỷ họ Thục. Quyển 2: kỷ họ Triệu. Quyển 3: kỷ thuộc Tây Hán, kỷ Trưng Nữ Vương, kỷ thuộc đông Hán, Kỷ Sĩ Vương. Quyển 4: kỷ thuộc Ngô - Tống - Tề - Lương, kỷ Tiền Lý, kỷ Triệu Việt Vương, kỷ Hậu Lý. Quyển 5: kỷ thuộc Tùy - Đường, kỷ họ Ngô. Bản kỷ: Gồm 19 quyển, từ triều Đinh đến năm 1675. Quyển 1: kỷ nhà Đinh, kỷ nhà Lê. Quyển 2: kỷ nhà Lý : Thái Tổ, Thái Tông. Quyển 3: Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông. Quyển 4: Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông, Chiêu Hoàng. Quyển 5: kỷ nhà Trần : Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Quyển 6: Anh Tông, Minh Tông. Quyển 7: Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông. Quyển 8: Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương. Quyển 9: kỷ Hậu Trần, Kỷ thuộc Minh. Quyển 10: kỷ Lê hoàng triều: Thái Tổ. Quyển 11: Thái Tông, Nhân Tông. Quyển 12: Thánh Tông (thượng). Quyển 13: Thánh Tông (hạ) Quyển 14: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục. Quyển 15: Tương Dực, Đà Dương Vương, Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh. Quyển 16: Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông, Mặc Đăng Doanh đến Mạc Mậu Hợp. Quyển 17: Thế Tông, Mạc Mậu Hợp. Quyển 18: Kính Tông, Thần Tông, Chân Tông, Thần Tông. Quyển 19: Huyền Tông, Gia Tông. 19 quyển Bản kỷ lại chia làm ba phần: Bản kỷ toàn thư: từ quyển 1 đến quyển 10. Bản kỷ thực lục: từ quyển 11 đến quyển 15. Bản kỷ tục biên: từ quyển 16 đến quyển 19. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư với bố cục như trên đã được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697. Kết luận:
File đính kèm:
- BAITAP thay Lien.doc