Bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam

Ngày 28-1, tại tỉnh Cao Bằng, một loạt hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước đã diễn ra. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đây được xem là một bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng Việt Nam vào thời điểm đó.

doc3 trang | Chia sẻ: dung1611 | Lượt xem: 1648 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút TẢI VỀ ở trên
Bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam 
Theo www.sggp.org.vn - 1 năm trước 
Ngày 28-1, tại tỉnh Cao Bằng, một loạt hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước đã diễn ra. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung (thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đây được xem là một bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng Việt Nam vào thời điểm đó.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (bìa trái) thăm Khu di tích lịch sử Pác Bó đầu năm 2007 và nghe giới thiệu về bộ bàn ghế đá Bác Hồ sử dụng trong những ngày đầu mới về nước. 
Trở về sau bao năm thương nhớ, đợi chờ 
Theo các nhà nghiên cứu, trở về nước luôn là khát khao cháy bỏng của Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Nhưng để thực hiện khát vọng ấy, Người đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian lao, thách thức. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện. Đó là khi Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc (những năm 1924 – 1927) và sau đó ở Thái Lan (những năm 1928 - 1929) - thời kỳ thực dân Pháp tìm mọi cách tiêu diệt những người cách mạng ở Đông Dương, đặc biệt là sự lùng sục rất gắt gao nhằm tìm ra tung tích của Nguyễn Ái Quốc… nên mọi “cố gắng đi về An Nam” của Người đều phải “quay trở lại” bởi sự “canh phòng của mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật”... 
Phải mãi tới lần thứ ba, việc tìm đường về nước của Bác Hồ mới từng bước được thực hiện. Đó là vào đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. 
Quá trình về nước được các đồng chí trong tổ chức Đảng chuẩn bị tích cực trong suốt năm 1940 và đến ngày 28-1-1941 (đúng trưa mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ đặt những bước chân đầu tiên về nước, sau gần 30 năm kể từ khi rời bến cảng Nhà Rồng (ngày 5-6-1911), bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân. Phút giây đó, sau này được kể lại rằng: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động...”. 
Những ngày đầu về nước, Bác Hồ ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pắc Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, làm nơi đứng chân đầu tiên. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. 
Từ ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại đây và nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng. Ngày ngày, Người dậy sớm tập thể dục, leo núi rồi xuống suối tắm, sau đó bắt tay vào công việc. Có khi xuống làng hỏi chuyện đồng bào, có khi lên núi hái củi cùng anh em, tối về tranh thủ bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ... 
Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Cao Bằng cho rằng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, ở Cao Bằng, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng đã lên cao, các hội cứu quốc phát triển rộng khắp, nhiều xã, nhiều tổng tham gia Việt Minh, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, xứng đáng trở thành nơi đầu nguồn, căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. 
Ban hành những quyết định lịch sử 
Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam được xem là một bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Kể từ khi Người về nước, cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân ta đã được bổ sung thêm những nhân tố chưa từng có trong các giai đoạn trước như: Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng ra đời và những quan hệ quốc tế đầu tiên được thiết lập. 
Chỉ sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại Lán Khuổi Nặm, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trước. Tại đây, Người đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh - một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mặt trận Việt Minh đã phát triển mạnh mẽ, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các tổ chức cứu quốc, xây dựng chính quyền cách mạng. 
Người chỉ đạo xuất bản báo “Việt Nam Độc lập” nhằm tuyên truyền, nâng cao dân trí, cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên cứu quốc, nhân dân hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, xây dựng đời sống văn hoá mới. Người đã chỉ thị thành lập Đội du kích Pắc Bó, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; chỉ đạo triển khai các đội quân Nam tiến, Đông tiến, Tây tiến để mở rộng căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng; tổ chức các “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn” và trực tiếp mở các lớp giảng dạy, huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ, sáng tác nhiều thơ, ca cách mạng, biên soạn, biên dịch nhiều tài liệu chính trị, quân sự... 
Từ Pắc Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và ngọn lửa đó đã bùng cháy, lan toả ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 
Theo các nhà nghiên cứu quốc tế cũng như Việt Nam, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hoà bình và những giá trị nhân đạo. 
Nhiều nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thống nhất rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941 được xem là một sự kiện như vậy.

File đính kèm:

  • docBuoc ngoac phat trien cach mang Viet Nam.doc
Bài giảng liên quan