Ngày xuân về đất tổ vua Hùng
NGÀY XUÂN VỀ ĐẤT TỔ VUA HÙNG
Một ngày đầu xuân, nắng ấm, chúng tôi, đoàn giáo viên của trường THCS Tân trường về thăm Đất Tổ Hùng Vương. Mặc dù chưa đến ngày giỗ Tổ nhưng chúng tôi vẫn háo hức mong muốn được về với vùng đất thiêng mang hồn sông núi Đất Việt. Quân số của đoàn chỉ bằng hơn nửa số con của mẹ Âu Cơ thôi, chúng tôi cùng nhau về thăm Đất Tổ với tất cả lòng thành kính của những người con về thăm quê Cha, đất Tổ.
Trên đường về Đất Tổ, xe chúng tôi đi giữa những làng mạc, thị trấn, thị xã vẫn mang đậm nét xuân, đào trong các khu vườn vẫn đỏ hoa, cây cối đâm chồi nảy lộc. Chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn những cánh đồng cũng đang được bàn tay của nông dân dệt lên màu xanh non, màu của sự sống đang sinh sôi, nảy nở. Chẳng mấy chốc xe đã qua Khu công nghiệp Việt Trì, rồi đi trong thành phố Việt Trì có những con phố chạy ngang từ chân đồi này sang chân đồi bên kia. Đúng là Thành phố miền trung du. Xe đã đi qua khu mộ cổ Làng Cả, qua cầu Bạch Hạc. Chỉ một lát sau, chúng tôi đã tới Ngã Ba Đền Hùng. Xa xa đã thấy Núi Hùng, núi Trọc, Núi Văn xanh thẫm im trên nền trời buổi sớm vẫn còn lẵng đãng sương khói. Và kia, trùng điệp một dãy đồi nối dài mãi, tôi không thể đếm được có bao nhiêu ngọn. Nhưng tôi nhớ có một truyền thuyết kể rằng: ở đây có tất cả 99 ngọn đồi, vốn là 99 con voi có nghĩa phủ phục chầu núi Tổ, riêng có một con bất nghĩa, quay ngược lại bị chém đầu. Nên ở dãy đồi này có một ngọn đồi có một vết xẻ thành khe. Tôi cứ hút tầm mắt để xác định xem ngọn đồi có vết chém ấy ở đâu? Nhưng xe cứ chạy, những rừng cây cứ vun vút lùi lại, đưa xe chúng tôi qua những rừng cây tỏa mát và rẽ vào con đường đất đỏ như xẻ qua đồi. Kia rồi ! Cổng Đền Hùng đã hiện ra ở chân núi phía Tây, bên những gốc thông đại thụ cao vút, kiêu hãnh.
thành một bộ bàn ghế đá rất đơn sơ ngay trước cửa đền. Tương truyền đó là nơi vua và các quần thần ngồi cùng bàn việc nước. Tò mò ,tôi ngồi xuống một phiến đá và hình dung mình như một tướng của vua Hùng đang cùng ngồi bàn việc quân vậy. Tôi lại nhớ về Bác Hồ kính yêu, trong những đầu gian khổ của cách mạng Việt Nam, Bác cũng đã dùng đá làm bàn để dịch sử Đảng. Nơi này cũng chính là nơi Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - một người con hiếu thảo có công làm ra bánh chưng, bánh giầy từ lúa gạo, là hai bánh mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nhìn toàn cảnh ngôi đền mới thấy kiến trúc ở đây cũng đơn giản. Đền được xây theo kiểu chữ Nhất, có ba gian quay về hướng Nam. Ngồi bên bộ bàn đá, chúng tôi được nghe một cụ già kể về Đền Trung: là Đền có sớm nhất, do thôn Trẹo (tên Nôm của làng Triệu Phú vốn có đông người họ Trẹo, nay đổi thành họ Triệu) xây dựng từ thời xưa để thờ các vua Hùng. Sau làng Trẹo đông dần, chia thành ba làng: Triệu Phú, Cổ Tích, Vi Cương. Hai làng mới cũng lập đền thờ trên núi. Làng Cổ Tích dựng đền Thượng. Làng Vi Cương dựng đền Hạ. Làng Triệu Phú là làng gốc vẫn trông nom, thờ cúng Đền Trung. Cứ mải nghe các cụ già kể chuyện, chúng tôi quên cả thời gian. Tuần hương đã hết, chúng tôi vào khấn xin hạ lễ. Du khách về dâng lễ trong đền rất đông, khuôn mặt, ánh mắt mỗi người đều thể hiện rõ lòng thành và bày tỏ mong muốn các Vua Hùng nơi vùng đất thiêng này đem lại cho chúng dân sự bình an. Trước khi lên Đền Thượng, đoàn chúng tôi sắp xếp và biện một mâm lễ bằng gồm xôi, thịt cùng hoa lễ với tất cả lòng thành kính rồi trao trọng trách đội mâm lễ cho một thầy giáo có sức vóc khỏe khoắn, lanh lợi hệt như các con của Mẹ Âu Cơ vậy. Nhìn dáng của thầy giáo đội mâm lễ bước những bước mạnh mẽ, dứt khoát lên Đền Thượng, tôi cứ ngỡ đó là chàng Lang Liêu bước ra từ truyền thuyết, đang dâng lễ lên Tiên Vương nhân ngày Lễ trọng. Còn các cháu nhỏ thì giống tiên đồng ngọc nữ thành kính cùng cha mẹ dâng lễ lên Vua Hùng. Cũng đúng thôi, đoàn chúng tôi gồm hai thế hệ, chúng tôi những người thuộc lớp cha chú và các cháu là con em của cán bộ giáo viên nhà trường, tất cả đang cùng về Đất Tổ một ngày xuân. Leo hơn 100 bậc đá, chúng tôi đã lên đến Đền Thượng. Đường lên đền rợp mát bởi tán lá của những vòm cổ thụ. Tôi cứ băn khoăn một điều: không biết đường lên Đền trước đây như thế nào nhỉ? Các bậc đá đẹp thế này có từ bao giờ? Điều băn khoăn của tôi được một cụ già đi cùng kể cho nghe: Cụ kể : Nói về đường lên đền, cố nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ghi trong hồi ức của mình về đường lên Đền như sau: Năm 1913, mình có lên Đền Hùng. Từ dưới đi lên Đền Thượng chưa xây bậc nên rất khó đi. Một bà phú thương ở Hà Nội tên là Nghĩa Lợi đã cung tiến tiền để xây bậc gạch, nên đường đi dễ hơn. Tổng cộng có 539 bậc được xây. Người ta còn kể, khi xây đường lên, vì còn thừa xi măng những người thợ cao hứng đã lấy luôn xi măng để lấp vào những gốc cây cổ thụ cạnh đường (thảo nào trên dọc đường đi lên Đền tôi cứ thấy những thùng đựng rác làm giả gốc cây cổ Thụ được bọc một lớp xi măng bên ngoài). Cụ kể tiếp; Nếu du khách quan sát kĩ, thì vừa rồi dưới Đền Hạ, sẽ thấy tại tam quan của chùa Thiên Quang có đặt ba bia đá, trong đó có một bia ghi việc sửa chữa đường lên xuống Đền Hùng: Bia gồm hai mặt, một mặt ghi chữ Hán, một mặt ghi chữ Quốc ngữ. Nội dung bia ghi rõ: Bà Lê Thị Chại, người xã Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh, công đức 10000 đồng tiền Đông Dương để tu sửa đường bậc lên xuống núi Hùng. Bia được khắc ngày 01 - 11 - 1917 (tức năm Đinh Tỵ, năm Khải Định thứ 2). Thấy tôi cứ trầm ngâm không nói, cụ già lại tiếp: Về con đường lên đền, còn có nhiều cuốn sách viết khi giới thiệu về Đền Hùng. Song tất cả đều viết rằng trong cuộc đại trùng tu 6 năm liền (từ 1917 đến 1922), nhân dân 18 tỉnh Bắc Bộ đã cung tiến được 6000 đồng tiền Đông Dương để tôn tạo Đền Thượng, Lăng vua Hùng, Đền Giếng. Giờ tôi đã hiểu vì sao có con đường đá đẹp như huyền thoại từ chân núi men dưới bóng cây rừng dẫn lên Đền Thượng như bây giờ. Đó là con đường của lòng tôn kính, biết ơn. Con đường được dệt bởi những huyền thoại bất tận và giờ đây bao lớp cháu con của Vua Hùng đang tiếp tục dệt thêm những hoa văn muôn màu, muôn sắc. Con đường nối liền lịch sử hào hùng với hiện tại và bất tận tới tương lai. Cụ Già đã ngừng lời rất lâu và đã tiếp tục cuộc hành hương của mình về phía sau đền. Tôi còn chưa kịp cảm ơn, chỉ biết chắp tay bái vọng theo hướng cụ vừa đi khuất. Trở lại cùng anh chị em trong đoàn, tôi định sẽ kể cho mọi người cùng nghe những điều vừa được biết. Song đã đến lúc vào làm lễ, tôi theo đoàn vào trong đền thắp hương và cầu khấn những điều may mắn bằng tất cả lòng thành. Muốn lưu giữ lại những hình ảnh thành tâm trước bài vị vua Hùng, tôi đã chụp lại cảnh các chị trong đoàn đang chắp tay thành kính dâng lễ. Tôi nhận thấy, trước đấng linh thiêng lòng ta sao thánh thiện. Từ trong Đền bước ra, lúc này mới có dịp quan sát toàn cảnh Đền Thượng: Đền được xây dựng trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền thời Hùng Vương, các Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân Nông nghiệp, thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh. Vừa nãy ở trong Đền, tôi có dể ý thấy mâm lễ của các đoàn du khách nào cũng có xôi, thịt giống như mâm lễ của đoàn chúng tôi vậy, khác hẳn mâm lễ đã đặt ở Đền Hạ. Thế mới hay, nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp bao ngàn đời không thay đổi. Đền Thượng có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện (Điện cầu trời), còn có tên là Cửu trùng tiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Đền được xây theo kiểu chữ Vương, gồm 4 cấp: cấp I là nhà Chuông, cấp II là Đại bái, Cấp III là Tiền tế, Cấp IV là Hậu cung (Thờ bài vị Vua và Tháng Gióng). Bên trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do vua Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Lúc đầu, cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty văn hóa tỉnh Phú Thọ tôn tạo lại thành cột đá như hiện nay. Còn có tục truyền, nơi đây, vua Hùng thứ 6 đã lập Đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Nên ở Hậu cung có hai bài vị, bài vị vua dặt ở giữa, bài vị Thành Gióng đặt phía bên trái, trên mâm lễ trước bài vị luôn bày hai loại bánh cổ truyền: bánh chưng, bánh giầy. Đứng trên đỉnh núi Hùng nhìn ra bao la cảnh đồng ruộng, làng mạc của vùng đồi Trung du, tôi càng hiểu hơn về những tên đất, tên làng còn vang vọng một thời: Xã Thậm Thình là nơi giã gạo cho vua.; Kẻ Sụ là nơi làm việc cho các quan; Kẻ Đọi là chỗ rèn luyện quân sĩ; Kẻ Giát là nơi vua dựng lầu kén rể,Đứng ở đây, tôi có thể nhìn rõ mọi cảnh vật: xa xa là Ngã Ba Hạc, nơi sông Lô nhập dòng với sông Hồng - Xưa kia, đó vốn là biển cả. Phía bên trái là dãy Tam Đảo hùng vĩ. Bên phải là ngọn núi Ba Vì mờ mờ ẩn hiện như mơ. Nhìn toàn cảnh là đồng ruộng, đồi cọ, vườn chè, làng xóm trù phú, cảnh đẹp như bức tranh mùa xuân. Một vùng trung du cứ trải rộng ra trước mắt tôi và rải rác trên bức tranh đó là những đầm hồ lấp loáng như gương dưới nắng xuân. Rời Đền Thượng, đi xuống phía Đông, chúng tôi vào viếng lăng Hùng Vương, tương truyền đó là mộ Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, sau thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ, dựng lăng. Và thời Khải Định (tháng 7 - 1922) được trùng tu lại. Lăng hình vuông, bên trong mộ vua xây hình chữ nhật, phía trong có bia đá ghi : Biểu chính (Lăng chính), phía trên ba mặt lăng có đề: Hùng Vương Lăng (Lăng Hùng Vương). Khi thắp hương vái tạ xong, tôi cứ đứng ngắm cột trụ lăng, ở đó có đắp nổi một số câu đối. Trong đó có câu: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối/ Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con. Câu đối giàu ý nghĩa vừa tự hảo khẳng định sự nghiệp khai sơn, mở đất vừa ca ngợi cảnh đẹp núi sông. Từ câu đối của các bậc văn thần, danh sĩ, tôi nghĩ đã là con cháu vua Hùng thì cần phải kế thừa và giữ gìn sự nghiệp của Tổ tông ngàn xưa để lại. Rời lăng vua Hùng, tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi theo một con đường khác xuống núi , con đường thật đẹp, được xây bằng đá Hải Lựu uốn quanh chân núi và dừng chân tại Đền Giếng. Trên đường xuống Đền GIếng, tôi đã được tận mắt nhìn Cái giếng cổ còn gọi là giếng Ngọc. Truyền rằng đền này thiêng lắm với ai muốn cầu duyên. Tôi đã có duyên rồi nên không cầu duyên nữa mà chỉ cầu mong tất cả những ai đã là con cháu Vua Hùng thì đều duyên dáng, đẹp xinh. Tên gọi Đền Giếng là do trong đền có cái giếng ngọc, mọi người cứ rỉ tai nhau hồi chưa hạ giá hai công chúa của vua Hùng là Tiên Dung, Ngọc Hoa thường soi dung nhan, hơn nữa, nguồn nước giếng được tuôn chảy từ lòng núi Nghĩa Lĩnh. Nước giếng thiêng lắm, mọi người cứ truyền nhau thế. Nên sau khi thắp hương, dâng lễ mọi người ai cũng muốn xin một ít nước giếng về lấy may, lấy phước. Trong một buổi sáng, dưới tán của rừng cây cổ thụ chúng tôi đã lần lượt tham quan các di tích nơi Đền Hùng, cảnh ở đây thật đẹp khiến lòng người thanh thản. Đã đến một lần khó ai quên được chốn hồn thiêng sông núi hội tụ. Bước những bậc đá cuối cùng xuống chân núi lòng tôi cứ vang mãi câu ca: Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Ngày giỗ tổ có thể chúng tôi không về được nhưng lòng thành kính hướng về cội nguồn dân tộc luôn mãi trong tôi. Leo hết chặng đường núi dài mà bọn trẻ trong đoàn khong mệt, chúng rủ nhau chụp ảnh, tạo dáng, chúng thu vào khuôn hình những cảnh đẹp như mơ. Nhìn chúng ríu rít, khỏe khoắn, xinh xắn lòng tôi thấy tự hào lắm: các thế hệ con cháu Vua Hùng cứ tiếp nối lớn lên, trưởng thành và hiếu nghĩa. Bọn trẻ cũng như mùa xuân vậy. Tạm biệt vùng đất Tổ, chúng tôi lên xe tiếp tục hành trình đi về với Đền Đô, nơi thờ tám vị vua Lí. Sau khi rời vùng đất Tổ, mỗi chúng tôi như được tiếp thêm một nguồn sinh khí mới. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời. Tác giả: LN68
File đính kèm:
- NGÀY XUÂN VỀ ĐẤT TỔ VUA HÙNG.doc