Phân tích "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng"

Bài làm

Lý Bạch có khá nhiều bài thơ tuyệt tác viết về tình bạn. Trong số đó, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" là một bông hoa nghệ thuật tuyệt vời nói về tình lưu luyến và thương nhớ bạn.

 Cảnh tiễn đưa:

Nơi Lý Bạch đưa tiễn bạn lên đường đi xa về phía Tây là lầu Hoàng Hạc, một thắng cảnh thuộc Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Lầu Hoàng Hạc, gắn liền với huyền thoại Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc vàng bay về đây dạo chơi ! Bạn là Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740) một nhà thơ nổi tiếng, bạn vong niên của Lý Bạch; một kẻ sĩ hào hiệp, hào hoa, phóng khoáng, ưa ngao du; rất tâm đầu ý hợp với Lý Bạch. Hai chữ “cố nhân” (bạn cũ, người xưa) trong câu đầu nói lên mối quan hệ sâu sắc, lâu bền về tình bạn đẹp đẽ giữa hai nhà thơ. Đó là bạn tao nhân mặc khách:

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu”

(Bạn từ lầu Hạc lên đường)

 

doc3 trang | Chia sẻ: baobinh26 | Lượt xem: 642 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng", để tải tài liệu về máy bạn click vào nút TẢI VỀ ở trên
Phân tích "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng".
Bài làm
Lý Bạch có khá nhiều bài thơ tuyệt tác viết về tình bạn. Trong số đó, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" là một bông hoa nghệ thuật tuyệt vời nói về tình lưu luyến và thương nhớ bạn.
 Cảnh tiễn đưa:
Nơi Lý Bạch đưa tiễn bạn lên đường đi xa về phía Tây là lầu Hoàng Hạc, một thắng cảnh thuộc Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Lầu Hoàng Hạc, gắn liền với huyền thoại Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc vàng bay về đây dạo chơi ! Bạn là Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740) một nhà thơ nổi tiếng, bạn vong niên của Lý Bạch; một kẻ sĩ hào hiệp, hào hoa, phóng khoáng, ưa ngao du; rất tâm đầu ý hợp với Lý Bạch. Hai chữ “cố nhân” (bạn cũ, người xưa) trong câu đầu nói lên mối quan hệ sâu sắc, lâu bền về tình bạn đẹp đẽ giữa hai nhà thơ. Đó là bạn tao nhân mặc khách:
“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu”
(Bạn từ lầu Hạc lên đường)
Câu thơ dịch rất hay và thanh thoát, nhưng chữ “tây” chưa dịch được, để nói lên hướng đi của bạn. Chữ “bạn” chưa lột tả hết ý và cảm xúc của từ “cố nhân”. Trong thơ cổ, mỗi lần từ “cố nhân” xuất hiện, gợi tả bao tình nghĩa làm rung động hồn người:
- “Dạng chu tầm thủy tiện
 Nhân phỏng cố nhân cư”
(Mạnh Hạo Nhiên)
(Thuận dòng đủng đỉnh thuyền bơi,
Cố nhân gần đó, qua chơi thăm nhà)
- “Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân”
(Câu 2330 - Truyện Kiều)
Câu 2 phát triển và hoàn chỉnh câu thơ thứ nhất, nói rõ thời gian bạn lên đường và nơi bạn sẽ đến. Mạnh Hạo Nhiên lên đường vào một ngày tháng ba (tam nguyệt) mùa hoa khói (yên hoa), xuôi về nơi phồn hoa đô hội, đó là Dương Châu - một trong những đô thị đẹp nổi tiếng thời Đường:
“Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”
(Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng)
Chữ “há” có bản phiên âm là “hạ” được Ngô Tất Tố dịch thành “xuôi dòng”, thật là sáng tạo. “Yên hoa” là một thi liệu, một ẩn dụ giàu chất thơ mà ta gặp nhiều trong Đường thi. Câu thơ không chỉ xác định thời gian và không gian đi, đến mà còn diễn tả nỗi niềm của kẻ ở người đi. Lầu Hoàng Hạc và Dương Châu, cách xa hàng nghìn dặm như hiện lên qua vần thơ. Đằng sau 2 địa danh mà nhà thơ nói đến là một nỗi niềm, một không gian trống vắng vô bờ, một trời thương nhớ biệt ly của đôi bạn tri âm. Có một bản dịch khác đọc lên nghe rất thú vị:
“Bạn từ lầu Hạc ra đi
 Dương Châu hoa khói giữa kỳ tháng ba”
(Phan Ngọc)
Có thể nói trong hai câu thơ “khai”, “thừa” này, yếu tố tự sự chỉ là bề nổi của câu chữ; nỗi niềm của một tâm sự thầm kín mới là tầng sâu hàm ẩn. Nơi “thi hội tao nhân” cũng là nơi ly biệt, đó là Hoàng Hạc lâu. Lý Bạch đứng trên lầu cao hay trên một cao điểm nào đó trên bến sông, dõi theo chiếc thuyền đưa Mạnh Hạo Nhiên đến chân trời xa ? Cấu trúc không gian 2 điểm mút “cận - viễn” là một thủ pháp trong hội họa, ta thường bắt gặp trong Đường thi, trong các bức cổ hoạ Trung Hoa. Lý Bạch đã vận dụng thành công thủ pháp ấy tạo nên điểm nối giữa câu 1, 2 với câu 3, 4 thành một chỉnh thể nghệ thuật hoàn mĩ.
Tình lưu luyến, mến thương:
Hai câu cuối là linh hồn của bài thơ, giãi bầy những tình cảm sâu sắc, đẹp đẽ, cảm động của Lý Bạch đối với Mạnh Hạo Nhiên. ẩn hiện sau 3 hình ảnh được miêu tả trực tiếp: dòng sông, cánh buồm, bầu trời - là hình ảnh Lý Bạch đứng mãi nhìn hoài con thuyền đưa bạn đi xa...
Cánh buồm đơn côi, lẻ loi (cô phàm) xa dần (viễn ảnh) rồi mất hút vào trời xanh, vào cuối chân trời xa (bích không tận). Hay tấm lòng “Thi tiên” với bao ái ngại, lưu luyến, nhớ thương... như những con sóng nối đuôi nhau, đưa tiễn con thuyền của bạn mất hút dần, mờ dần trên dòng sông Trường Giang ?
“Con sông sẽ trở nên rộng bao la khi cái hữu hạn của nó đồng nhất với cái vô hạn của bầu trời. Chiếc thuyền buồm lẻ loi chở Mạnh Hạo Nhiên đã tan biến trong dòng sông bao la đó, mang theo tình bạn của Lý Bạch. Dòng sông càng rộng, chiếc thuyền buồm càng nhỏ, mất hút vào khoảng không gian vô tận. Rõ ràng sau khi tiễn bạn lên đường, Lý Bạch dừng lại khá lâu dõi mắt nhìn theo chiếc thuyền buồm lẻ loi đến tận chân trời xa tít. Lý Bạch mượn cái khung cảnh thiên nhiên sau buổi tiễn đưa để nói lên tình cảm nhớ bạn da diết.
Thi tiên tả về cái buồn của sự ly biệt nhưng vẫn giữ được phong cách phóng khoáng khi ông miêu tả cái hùng vĩ của thiên nhiên” 
(Trần Xuân Đề).
 “Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
 Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”
(Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời)
Cái tiêu điểm đầy ám ảnh của bài thơ là “cô phàm viễn ảnh”. Cái tâm cảnh của Lý Bạch được diễn tả bằng hai chữ “duy kiến” - chỉ nhìn thấy. Ta đã biết Lý Bạch sống trong thời Thịnh Đường. Lúc bấy giờ, kinh tế phát triển mạnh, thương nghiệp mở mang, nhiều đô thị sầm uất mọc lên: Tràng An, Dương Châu, Thành Đô, v.v... Trên con sông Trường Giang suốt đêm ngày thuyền bè ngược xuôi như mắc cửi. Thế mà trong muôn ngàn cánh buồm ở trên sông, Lý Bạch “duy kiến” chiếc “cô phàm” của bạn, nhìn mãi cho đến lúc nó mất hút trong “bầu trời xanh biếc”. Chỉ sống với một tình bạn tri âm, thắm thiết thì mới có cái nhìn “duy kiến” ấy.
Mặc dầu chưa dịch được hai chữ “cô” (cô phàm) “bích” (bích không tận) nhưng Ngô Tất Tố đã lột tả được “điệu Đường”, “hồn Đường” của nguyên tác, đọc lên mỗi chúng ta rất thấm thía về nỗi buồn thương, lưu luyến bạn của nhà thơ Lý Bạch.
Nguồn: Nhiều tác giả, 108 bài văn 10 chọn lọc, Nxb Tổng hợp TP. HCM

File đính kèm:

  • dochOÀNG HẠC LÂU....doc