Tìm hiểu tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về phương châm, phương pháp giáo dục
Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng của Người bao quát nhiều lĩnh vực, là ngọn đèn pha soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Để giáo dục thực sự trở thành một trong ba khâu “đột phá” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng đó vào công cuộc đổi mới ở nước ta nói chung, đổi mới sự nghiệp giáo dục nói riêng. Có như vậy chúng ta mới có thể đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta tiến lên một bước mới, xứng đáng với vị trí là “quốc sách hàng đầu”, góp phần quyết định đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tới thành công.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục bao gồm nhiều nội dung, từ các quan điểm về giáo dục toàn diện, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, giáo dục là nền tảng của phát triển kinh tế - xã hội Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này chỉ tìm hiểu quan điểm của Hồ Chí Minh về phương châm phương pháp giáo dục. Trong phương châm phương pháp giáo dục cũng có rất nhiều nội dung phong phú, tuy nhiên có thể khái quát thành một số nội dung cơ bản sau:
ình học sẽ diễn ra trong quá trình hành. Hai là, lý luận gắn liền với thực tiễn. Trong giáo dục, lý luận chính là nội dung các môn học. Nó là sự đúc kết từ thực tiễn, từ nghiên cứu khoa học thành tri thức, phạm trù, quy luật Thực tiễn là một sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất, của hoạt động con người, thậm chí cả sự vận dụng lý luận. Trong quá trình giáo dục và chỉ đạo giáo dục, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người phải tránh căn bệnh lý luận suông, hoặc coi thường lý luận. Người nói: “Thống nhất giữ lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thực hành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(5). Người chỉ rõ, nếu kém lý luận, coi khinh lý luận hoặc lý luận suông, không liên hệ với thực tiễn sẽ dẫn đến căn bệnh chủ quan duy ý chí, “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(6). Học là để vận dụng vào thực tiễn, học để hành. Nếu học mà không hành, không áp dụng vào thực tế “thì khác nào một cái hòm đựng sách, xem sách nhiều để mà lòe, để làm ra vẻ ta đây”(7). Người ví, “lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(8). Với Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn không chỉ là một nguyên lý, một quy luật nhận thức mà còn là quy luật hình thành nhân cách con người. Ba là, học tập kết hợp với lao động sản xuất. Học tập kết hợp với lao động sản xuất là hạt nhân của toàn bộ nguyên lý giáo dục mácxít, là phương pháp quan trọng nhất để hình thành con người toàn diện. Nhà trường của chế độ cũ chỉ đào tạo ra những con người mọt sách, coi khinh lao động, tách rời lao động trí óc với lao động chân tay. Nhà trường xã hội chủ nghĩa ngược lại, phải đào tạo ra lớp người mới vừa lao động trí óc, vừa lao động chân tay. Hồ Chí Minh dạy: “Lao động chân tay cũng phải có văn hóa, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người bán thân bất toại”(9). Nhà trường của chúng ta là nhà trường xã hội chủ nghĩa “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường học đi đôi với lao động”(10). Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, lao động vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi người. Cho nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải “học tập kết hợp với lao động”(11). Thông qua kết hợp học tập với lao động, nhà trường xã hội chủ nghĩa giáo dục thái độ đối với lao động như: tôn trọng người lao động, yêu lao động, cần cù lao động, kỷ luật lao động và cả động cơ lao động vì mình, vì xã hội cho học sinh. Tuy nhiên, kết hợp với lao động là phải kết hợp một cách đúng mức phù hợp với đối tượng, lứa tuổi và chương trình đào tạo chứ không phải là phương tiện hành nghề có lãi – như đã trình bày ở trên. Bốn là, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đây là một định hướng lớn trong phương pháp giáo dục. Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Ở mỗi môi trường như vậy đều diễn ra quá trình giáo dục, giáo dưỡng con người. Mặc dù ở mỗi môi trường đều có những phương pháp giáo dục đặc thù song tất cả đều góp vào hình thành nhân cách con người toàn diện. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương gắn nhà trường với xã hội. Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, Người khuyên học sinh: “Ngoài giờ học ở trường tham gia vào các hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”(12). Đối với giáo dục thanh niên, Bác cũng huấn thị: Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội phải liên hệ vào dư luận xã hội.Trong hoạt động giáo dục, giáo dục trong nhà trường giữ vai trò quan trọng đặc biệt, song theo Hồ Chí Minh “giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(13). Năm 1950, trong bài Nói về công tác huấn luyện và học tập, trả lời câu hỏi “Học ở đâu?”, Người nói: “Học ở trường, học sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(14). Cùng với việc đòi hỏi nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình, xã hội, Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho “Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thực sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em”(15). Người luôn luôn động viên nhân dân đóng góp công sức của mình vào giáo dục: “Từ trước đến nay, đồng bào đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học”(16). Đối với mỗi người, Người quy thành trách nhiệm trong việc hỗ trợ giáo dục, Người nói: Mỗi chúng ta đều phải nhận trách nhiệm góp phần vào việc giáo dục. Do đó cần phải liên hệ chặt chẽ việc giáo dục giữa nhà trường với gia đình và xã hội, giữa nhà trường với các đoàn thể, trước hết là đoàn thể thanh niên. Năm là, kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế, đấy là nguyên tắc để xây dựng và phát triển ngành giáo dục. Giáo dục và kinh tế tạo cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội song bản thân giáo dục chỉ có hiệu quả khi nó gắn liền với kinh tế, với các chương trình kinh tế của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế, giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục có khó khăn, giáo dục phải khắc phục. Kinh tế có khó khăn thì kinh tế phải khắc phục. Chúng ta đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn thì kinh tế cũng thành công, giáo dục cũng thành công”(17). Đánh giá vai trò tích cực của giáo dục với kinh tế, Người chỉ rõ: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế”(18). Song Người cũng dè chừng, tâm lý nóng vội muốn đẩy nhanh sự phát triển của giáo dục quá với hoàn cảnh và điều kiện thực tế: “Kháng chiến phải mấy năm, vội không được. Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm nhưng làm vội không được. Từ đây ra cửa thì thứ nhất là bước thứ nhất, thứ hai mới đến bước thứ hai, rồi thứ ba mới là bước thứ ba, vội thì ngã. Làm phải có kế hoạch, có từng bước”(19). Gắn giáo dục với kinh tế với đời sống của nhân dân là một nguyên tắc bất di bất dịch trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Ngay trong Di chúc, Người cũng căn dặn: Cần sửa đổi giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Sáu là, gắn giáo dục với tự giáo dục.Trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, Người để lại những chỉ dẫn rất quý báu về vấn đề tự học, tự đào tạo. Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lấy tự học làm cốt, do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(20). Để làm được như vậy phải “Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau mà không xung đột với nhau”(21). Sau này, khi nói về Công tác huấn luyện và học tập (1950), Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”.Tự học chính là sự nỗ lực của chính bản thân người học song phải học có kế hoạch, có môi trường, có sự quản lý chỉ đạo về nội dung. Trong điều kiện như vậy quá trình học tập sẽ là một quá trình tự học. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về quá trình tự học – tự đào tạo. Người đến với chủ nghĩa cộng sản bằng một quá trình tự học. Tới dự đại hội VII Quốc tế cộng sản (1935) với bí danh là Lin, khi khai lý lịch trả lời câu hỏi: Trình độ học vấn (tiểu học, trung học, đại học), Người ghi: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Năm 1959, nói chuyện với sinh viên đại học tại Băng Đung (Inđônêxia) về tự học, Người kể: “Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch và để làm việc đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội khoa học quân sự lịch sử chính trị”. Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở mọi người là phải thường xuyên tự học tập “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn công tác lý luận với thực tiễn. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, đã biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(22). Ngày nay trong công cuộc đổi mới, các quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung, phương châm phương pháp giáo dục nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị, là “khuôn vàng, thước ngọc”, là kim chỉ nam cho nền giáo dục Việt Nam trên con đường đổi mới sự nghiệp giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Chú thích: (1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.235. (2): Sđd, tập 6, tr.50. (3): Sđd, tập 10, tr.331. (4): Sđd, tập 10, tr.331. (5): Sđd, tập 8, tr.496. (6): Sđd, tập 5, tr. 233 – 234. (7): Sđd, tập 5, tr. 234. (8): Sđd, tập 5, tr. 235. (9): Sđd, tập 9, tr. 173. (10): Sđd, tập 9, tr. 295. (11): Sđd, tập 9, tr. 173. (12): Sđd, tập 4, tr. 33. (13): Sđd, tập 8, tr. 394. (14): Sđd, tập , tr. 50. (15): Sđd, tập 11, tr. 616. (16): Sđd, tập 10, tr. 190, 191. (17): Sđd, tập 8, tr. 138 (18): Sđd, tập 8, tr. 184 (19): Sđd, tập 8, tr. 184. (20): Sđd, tập 5, tr. 273 (21): Sđd, tập 5, tr. 273. Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Cộng Nguồn tin: Nội san 2010 - Trường Chính trị
File đính kèm:
- Tìm hiểu tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về phương châm.doc