Dàn ý phân tích bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

 Bài thơ Ánh trăng

I - Vầng trăng tỏa ánh sáng dịu mát xuống khắp mọi nhà, với mỗi người Việt Nam, thật vô cùng thân thuộc có khi đến mức bình thường. Vậy mà có khi nào ta lãng quên người bạn thiên nhiên tri âm tri kỉ để đến lúc vô tình gặp lại, ta bỗng giật mình tự ăn năn tự trách lòng ta? Bài thơ “Ánh trăng” (1978) của Nguyễn Duy viết tại thành phố Hồ Chí Minh ba năm sau ngày đất nước thống nhất được khơi nguồn cảm hứng từ một tình huống như thế. Có thể nói, “Ánh trăng” là một lời nhắc nhở thân tình nhưng nghiêm khắc về những năm tháng gian lao đã qua, về công ơn của đất nước và nhân dân đối với mỗi con người

 

doc3 trang | Chia sẻ: baobinh26 | Lượt xem: 961 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dàn ý phân tích bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút TẢI VỀ ở trên
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
Gợi ý
Bài làm
I- MB:
-Giới thiệu tình huống sáng tác bài thơ
-Khái quát nội dung
II TB:
* Thể thơ, đặc điểm nổi bật của các khổ thơ : thể thơ năm chữ, mỗi khổ được xem như một câu thơ.
1Khổ 1: Trăng luôn có mặt trong cuộc đời từ thuở ấu thơ và trong những năm kháng chiến.
 2- Khổ 2:
Tâm hồn con người trong khoảng thời gian ấy luôn gắn bó với thiên nhiên, lúc nào cũng có trăng, vầng trăng tình nghĩa.
3- Khổ 3: Về thành phố , “trăng” thành người dưng qua đường.
4- Khổ 4: 
Chuyện bất ngờ : đèn điện tắt, nhìn thấy vầng trăng qua cửa sổ.
(hình ảnh vầng trăng tròn có ý nghĩa gì? Từ “đột ngột”?)
 5- Khổ 5:
Cảm xúc dâng tào khi nhìn thấy vầng trăng.
-Mặt nhìn mặt?
-Rưng rưng?
-Như là....
6-Khổ 6:
Suy nghĩ về vầng trăng, về chính mình
-Trăng tròn vành vạnh?
-Trăng im phăng phắc?
-Giật mình?
III-KL:
Bài thơ có dáng dấp ngụ ngôn nhưng thực chất là một bài thơ trữ tình chân tình và có ý nghĩa sâu xa
 Bài thơ Ánh trăng
I - Vầng trăng tỏa ánh sáng dịu mát xuống khắp mọi nhà, với mỗi người Việt Nam, thật vô cùng thân thuộc có khi đến mức bình thường. Vậy mà có khi nào ta lãng quên người bạn thiên nhiên tri âm tri kỉ để đến lúc vô tình gặp lại, ta bỗng giật mình tự ăn năn tự trách lòng ta? Bài thơ “Ánh trăng” (1978) của Nguyễn Duy viết tại thành phố Hồ Chí Minh ba năm sau ngày đất nước thống nhất được khơi nguồn cảm hứng từ một tình huống như thế. Có thể nói, “Ánh trăng” là một lời nhắc nhở thân tình nhưng nghiêm khắc về những năm tháng gian lao đã qua, về công ơn của đất nước và nhân dân đối với mỗi con người
II- Bài thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, rất phù hợp để kể chuyện, nhất là những câu chuyện giản dị như để bộc lộ tâm sự . Bài thơ gồm sáu khổ thơ, mỗi khổ chỉ được viết hoa ở chữ đầu một câu, với ý nhấn mạnh mỗi khổ thơ chỉ là một câu liên tục, làm nổi bật những đièu tác giả muốn khẳng định về trăng, đồng thời làm nổi bật sự chuyển biến trong tâm hồn con người.
1- Bắt đầu là những kỷ niệm mà hầu như ai cũng có thể có:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
 Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Dù ở đâu, đi đâu trăng cũng ở bên cạnh. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, trăng với người lính, trăng mới thành tri kỉ. “Vầng trăng thành tri kỉ” gợi nhiều lắm : vầng trăng bạn bè, vầng trăng thủy chung, vầng trăng chia sẻ tâm sự,vầng trăng như tấm lòng mãi mãi sáng trong...
 2- Nhà thơ nói “hồi chiến tranh ở rừng, vầng trăng thành tri kỉ” là đã quá sâu sắc, vậy mà nhà thơ còn khắc đậm thêm tình cảm giữa nhà thơ với trăng:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Người chiến sĩ sống giữa rừng “trần trụi với thiên nhiên”, nói “trần trụi” là nhà thơ muốn nói đến sự gần gũi với thiên nhiên, với trăng, không có gì ngăn cách. Tâm hồn người chiến sĩ thì hồn nhiên vô tư đến độ “như cây cỏ”. Cho nên vầng trăng chẳng những là “tri kỉ” , mà còn “tình nghĩa”. Cho nên, từ đó mà nghĩ rằng “ngỡ không bao giờ quên” là hoàn toàn chân thành:
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
 3- Tuy nhiên , sự đời vẫn éo le, có những điều xảy đến mà người ta không thể nghĩ trước được . Thoắt một cái , mọi sự đảo ngược:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Sự thay đổi của lòng người thật đáng sợ. Hoàn cảnh sống đổi thay, con người dễ thay đổi, có lúc trở nên vô tình, dễ trở thành kẻ ăn ở bạc. Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được trưng diện và xài sang: ở buynh đinh, cao ốc, quen ánh điện cửa gương....Và “vầng trăng tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” đã bị người lãng quên, dửng dưng. Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, trăng như người dưng (người không có quan hệ họ hàng, không thân thiết,quen biết gì) đi qua chẳng còn ai nhớ, chẳg còn ai hay “ vầng trăng đi qua ngõ, như người dưng qua đường” . Nghe thật giản dị , giản dị đến lạnh lùng, nhưng sao mà buồn thế, nao lòng đến thế. Hóa ra, ở thành phố vẫn có trăng kia đấy, những đêm trăng vẫn có vầng trăng đi qua ngõ kia đấy. Nhưng bây giờ không phải “vầng trăng tri kỉ” mà là “người dưng qua đường”. Thế mới biết hoàn cảnh tác động đến con người ghê gớm thật ! Tố Hữu đã dự báo mấy chục năm về trước rồi:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng
Bây giờ Nguyễn Duy nhắc nhở thêm , càng thấm thía.
 4-Cuộc sống của người lính ở thành phố sẽ cứ như thế mà tiếp tục nếu như không có một sợ cố:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
Tình huống mất điện đột ngột trong đêm là chuyện cũng không hiếm gặp ở nước ta trong những năm tháng ấy (1978), khiến tác giả vốn đã quen với ánh sáng, không thể chịu nổi cảnh tối om nơi căn phòng buyn đinh hiện đại :
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ba động từ “vội”, “bật”, “tung” đặt liền nhau diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương, hối hả của tác giả đi tìm nguồn sáng . Và hình ảnh “vầng trăng tròn” tình cờ và tự nhiên đột ngột hiện ra vằng vặc giữa trời, chiếu vào căn phòng tối om kia, chiếu lên khuôn mặt đang ngửa lên nhìn trời, nhìn trăng kia. Khổ thơ như một cứu cánh, như một cái nút để khơi gợi tâm trạng và suy ngẫm của tác giả.
 5- “Vầng trăng” xuất hiện thật bất ngờ, khoảnh khắc ấy,phút giây ấy, tác giả bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng. Bao nhiêu kỉ niệm xưa bỗng ùa về làm tác giả “rưng rưng”:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông ,là rừng
 Trong câu thơ “ngửa mặt lên nhìn mặt” , tác giả dùng hai từ “mặt” rất hay. Nếu từ mặt thứ hai mà nói rõ mặt trăng thì câu thơ sẽ tầm thường. “Ngửa mặt lên nhìn mặt” là nhìn mặt của tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu mình dửng dưng. Trăng chẳng nói, trăng chẳng trách, thế mà người lính cảm thấy “có cái gì rưng rưng”. “Rưng rưng” nghĩa là vì xúc động, nước mắt đang ứa ra sắp khóc. Bao kỉ niệm đẹp lại ùa về, tâm hồn gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng,với bể, với sông với rừng, với quê hương đất nước.
 “Như là ...như là”, cảm xúc đến thật dồn dập. Cùng một lúc, cả quá khứ như hiện về, mọi kỉ niệm như được đánh thức. Vầng trăng thật diệu kì. Cùng với trăng là tất cả, bỡi vì tất cả đều luôn luôn gắn bó với vầng trăng. Trăng là đồng, trăng là bể, trăng là sông, trăng là rừng ...
 6- Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa” một thời:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
 Hình ảnh “vầng trăng tròn vành vạnh” , ngoài nghĩa đen, còn có nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp của nghĩa tình quá khứ đầy đặn, thủy chung, nhân hậu bao dung của thiên nhiên, của cuộc đời, con người, nhân dân ,đất nước. Hình ảnh “vầng trăng im phăng phắc” là có ý nghiã nghiêm khắc nhắc nhở, không vui, là sự trách móc trong lặng im , là sự tự vấn lương tâm dẫn đến cái giật mình ở câu cuối.
 Cái “giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” của sự ăn năn , tự trách, tự thấy phải thay đổi cách sống .Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ thiên nhiên. Thiên nhiên thật nghiêm khắc, lạnh lùng nhưng cũng thật ân tình độ lượng bao dung, vầng trăng và thiên nhiên là trường tồn bất diệt. Cái “giật mình” chân thành có sức cảm hóa lòng người.
 III- “Ánh trăng” của Nguyễn Duy có dáng dấp ngụ ngôn nhưng nó thực sự là một bài thơ trữ tình, và là một bài thơ trữ tình hay. Bài thơ đã gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bỡi cách diễn đạt bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình” suy nghĩ,nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn

File đính kèm:

  • docDE THI TUYEN SINH 10 MON VAN 20122013 TPHCM.doc