Phân tích tâm trạng người chinh phụ qua đoạn thơ sau: “Lòng này gửi gió đông có tiện ... Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”. (Trích “Chinh phụ ngâm”)

Bài làm

“Chinh phụ ngâm” là một trong những kiệt tác của nền thi ca cổ điển Việt Nam. Có biết bao đoạn thơ nói lên nỗi buồn cô đơn, lẻ loi của người vợ trẻ ở chốn phòng khuê, giữa thời chiến tranh loạn lạc.

Đây là một trong những đoạn thơ thấm đầy lệ và nước mắt của nàng chinh phụ làm tê tái lòng người:

“Lòng này gửi gió đông có tiện

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”.

Ở đoạn trên, người chinh phu vẫn đi mãi chưa về. Trải qua bao năm tháng đợi chờ, nàng chinh phụ sống trong nỗi buồn tủi, cô đơn: "Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ - Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai". Thời gian ly biệt như kéo dài mãi thêm ra; mối sâu như ngổn ngang, nặng trĩu không kể xiết, nàng chinh phụ thở than, đau khổ: "Kể năm đã ba, tư cách diễn - Mối sầu thêm ngàn vạn ngổn ngang." Tâm tư ấy càng thêm da diết trước vũ trụ mênh mông, lạnh lẽo và cảnh vật não nùng. Để giải tỏa tâm trạng bế tắc ấy, người chinh phụ đành mượn ngọn gió xuân tươi mát để gửi gắm nỗi nhớ thương chồng nơi xa cách, dù vẫn biết là vô vọng:

 

doc5 trang | Chia sẻ: baobinh26 | Lượt xem: 1746 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích tâm trạng người chinh phụ qua đoạn thơ sau: “Lòng này gửi gió đông có tiện ... Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”. (Trích “Chinh phụ ngâm”), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút TẢI VỀ ở trên
ư kéo dài mãi thêm ra; mối sâu như ngổn ngang, nặng trĩu không kể xiết, nàng chinh phụ thở than, đau khổ: "Kể năm đã ba, tư cách diễn - Mối sầu thêm ngàn vạn ngổn ngang..." Tâm tư ấy càng thêm da diết trước vũ trụ mênh mông, lạnh lẽo và cảnh vật não nùng. Để giải tỏa tâm trạng bế tắc ấy, người chinh phụ đành mượn ngọn gió xuân tươi mát để gửi gắm nỗi nhớ thương chồng nơi xa cách, dù vẫn biết là vô vọng:
Trước hết là một ước mong cháy bỏng đêm ngày:
"Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên"
"Lòng này" là sự thương nhớ khôn nguôi, vì đã trải qua nhiều đợi chờ: "Trải mấy thu tin đi nhạn lại - Tới xuân này, tin hãy vắng không". Gió đông là gió xuân. Trong cô đơn, người chinh phụ chỉ biết hỏi gió, nhờ gió đưa tin, nhắn tin tới người chồng yêu thương nơi chiến địa xa xôi, nguy hiểm, nơi non Yên nghìn trùng. Non Yên, một địa danh cách xa Thiểm Tây, Trung Quốc hơn hai ngàn dặm về phía bắc. Hỏi gió, nhờ gió, nhưng "có tiện" hay không ? Nếu "tiện" thì dẫu mất ngàn vàng cũng chịu. Chỉ còn biết hỏi gió nữa mà thôi, thì sự cô đơn của "lòng này" không thể nào tả hết. Làm sao tới được non Yên, nơi người chồng đang "nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh" ? Chỉ còn lại nỗi nhớ:
"Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời"
"Nhớ đằng đẵng" nghĩa là nhớ mãi, nhớ nhiều, nhớ lâu, nhớ không bao giờ nguôi. (Đằng đẵng: lâu dài quá; "Truyện Kiều" có câu: "Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu").
Câu thơ "Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời" là một câu thơ tuyệt bút, vừa diễn tả một nỗi nhớ thương đè nặng trong lòng, triền miên theo thời gian đêm ngày năm tháng (đằng đẵng) không bao giờ nguôi, vừa được cụ thể hoá bằng độ dài của không gian (đường lên bằng trời). Khi giải thích nghĩa câu thơ này, Nguyễn Thạch Giang đã viết: "Lòng nhớ chồng thăm thẳm dài dằng dặc vẫn có thể đến được dù có như đường lên trời" ("Chinh phụ ngâm diễn ca" - Nhà xuất bản Văn học, 1987). Có thể nói, dịch giả Đoàn Thị Điểm đã có một cách nói rất sâu sắc để cực tả nỗi nhớ thương chồng của người chinh phụ. Nỗi nhớ thương ấy, tiếng lòng thiết tha ấy lại được diễn tả qua âm điệu triền miên của vần thơ song thất lục bát với thủ pháp nghệ thuật liên hoàn - điệp ngữ. Cả một trời thương nhớ mênh mông. Nỗi buồn triền miên, dằng dặc vô tận: "Lòng này gửi gió đông có tiện - Nghìn vàng xin gửi đến non Yên - Non Yên dù chẳng tới miền - Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời - Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu...".
Sau khi hỏi "gió đông" để bày tỏ niềm thương nỗi nhớ chồng "đằng đẵng", nàng chinh phụ lại hỏi "trời" để rồi tủi thân, than trách:
"Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong".
Trời ở cao xa; không chỉ là cao mà là thăm thẳm, không chỉ là xa mà trở nên xa vời, nên không thấu, không hiểu cho "nỗi nhớ chàng" của người vợ trẻ. Nỗi nhớ càng trở nên đau đáu trong lòng. Đau đáu nghĩa là áy náy, lo lắng, day dứt khôn nguôi. Có thể nói qua cặp từ láy: "đằng đẵng" và "đau đáu", dịch giả đã thành công trong việc miêu tả những biến thái, những thương nhớ, đau buồn, lo lắng của người chinh phụ một cách cụ thể, tinh tế, sống động. Tâm trạng ấy được miêu tả trong quá trình phát triển mang tính bi kịch đáng thương.
Mười bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ lấy ngoại cảnh để thể hiện tâm cảnh; nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đạt đến điêu luyện. Tính hình tượng kết hợp với tính truyền cảm tạo nên sắc điệu trữ tình sâu lắng. Hai câu thơ:
	"Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun".
Nỗi thương nhớ, lúc thì "đằng đẵng", lúc thì "đau đáu", triền miên suốt ngày đêm. Đêm nối đêm như dài dài ra. Càng cô đơn càng thao thức. Nhìn cành cây ướt đẫm sương đêm mà thêm lạnh lẽo. Nghe tiếng trùng kêu rả rích thâu canh như tiếng "mưa phùn" mà thêm buồn nhớ. Âm thanh ấy, cảnh sắc ấy vừa lạnh lẽo vừa buồn, càng khơi gợi trong lòng người vợ trẻ, cô đơn biết bao thương nhớ, lo lắng, buồn rầu. Lòng đau đớn như bị cắt cứa, chà xát (thiết tha lòng). Có thể nói hai câu thơ "Chinh phụ ngâm khúc" này rất gần gũi với hai câu "Kiều" nổi tiếng:
	"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ..."
Nhạc điệu vần thơ song thất lục bát réo rắt, triền miên như nỗi buồn cô đơn da diết, dằng dặc, đằng đẵng trong lòng người chinh phụ. Các từ láy, các so sánh được sử dụng tài tình để khắc hoạ nội tâm người vợ trẻ ở chốn phòng khuê thời chiến tranh loạn lạc. Lời thơ đẹp, ngôn ngữ trau chuốt. Ngoại cảnh như thấm nỗi buồn cô đơn, đau khổ của lòng người.
Chiến tranh phong kiến đã "dãi thây trăm họ nên công một người". Trên chiến địa thì "hồn tử sĩ gió ù ù thổi"... ở mọi chốn làng quê, những người mẹ già, người vợ trẻ đã lo lắng, chờ mong. Đoạn thơ giàu giá trị nhân đạo đã nói lên cái giá nặng nề mà người chinh phụ phải trả. Vì thế đoạn thơ mang ý nghĩa tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô nghĩa đã gây ra bao đau khổ cho nhân dân.
Bài số 76
Phân tích tâm trạng người cung nữ được nói đến trong trích đoạn 
thơ "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều.
"Ngày sáu khắc, tin mong nhạn vắng, ...
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra "!
Bài làm
Đoạn thơ 20 câu này là một trong những đoạn thơ hay nhất, cảm động nhất trích trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều. Những vần thơ song thất lục bát du dương, réo rắt, thiết tha đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi sầu oán của người cung nữ.
Những ngày xưa êm đẹp được chúa quý vua yêu nay còn đâu nữa. Cái kỉ niệm của thời hoa phong nhuỵ "bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng" đã bị phủ mờ, lấp dày bởi bụi thời gian năm tháng. Giờ đây, nàng chỉ sống một mình cô đơn trong cung lạnh:
"Ngày sáu khắc, tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên,
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u".
Ngày, đêm dài lê thê trôi qua. Càng mong tin "cửu trùng", càng đợi chờ xe ngự thì càng tuyệt vọng: cảnh "nhạn vắng" suốt ngày dài, tiếng "chuông rền" trong đêm thâu. Giấc ngủ, giấc chiêm bao cô đơn sầu tủi. Nàng cất lên lời than: "Lạnh lùng thay giấc cô miên". Mùi hương không còn quyến rũ nữa, mà trở nên "tịch mịch" ẩm mốc, bóng đèn giữa năm canh trở nên "âm u" tối tăm, mờ ảo.
Nàng sống trong tâm trạng đau khổ, sầu muộn. ý nghĩa cuộc sống vô vị biết bao. Nàng "biếng ngắm", nàng "buồn trông" cảnh vật. Chỉ còn "một mình" sống lẻ loi, bơ vơ sau vách quế, lúc "đứng tủi, ngồi sầu", lúc than khóc với trăng, lúc rầu rĩ với hoa. Tranh tố nữ, cửa nghiêm lâu, nguyệt hoa là cái đẹp từng đắm đuối nàng, nay trở nên nhạt nhẽo, hờ hững, vô nghĩa:
"Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.
Một mình đứng tủi, ngồi sầu,
Đã than với nguyệt, lại rầu với hoa".
Nàng "khắc khoải", "ngẩn ngơ" trong chờ mong và tuyệt vọng. Nỗi "buồn", nỗi "ngán" ngổn ngang "mọi nỗi" và "trăm chiều", như kéo dài lê thê:
"Buồn mọi nỗi, lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều, bước lại ngẩn ngơ".
Nàng thương cho mình. Nhan sắc phai tàn. Tuổi xuân phai nhạt. Nàng cảm thấy bất hạnh và vô duyên:
"Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng".
Đây là câu thơ hay nhất, đẹp nhất trong "Cung oán ngâm khúc" được nhiều người yêu thích truyền tụng. Lời thơ bóng bảy, trau chuốt. Các ẩn dụ tượng trưng giàu sức gợi tả: hoa, bướm, bông thắm, nhụy vàng. Đặc biệt từ "gầy" và "xơ" được coi là thi nhãn. Tất cả đã diễn tả một cách thấm thía, rung động về nỗi buồn, nỗi đau của một giai nhân thất tình và cô đơn.
Vách quế trong thâm cung nơi hoàng thành nói lên sự xa hoa, đầm ấm, hạnh phúc. Giờ đây trở nên lạnh lẽo, mà người cung nữ cảm thấy như một bức tường dày đen tối chốn ngục tù; suốt năm canh, nàng chỉ còn biết một mình "lần nương vách quế"... Lời thơ cất lên nghẹn ngào sầu oán. Nàng cảm thấy đau khổ đang bị giết dần giết mòn tuổi xuân. Điệp ngữ "giết nhau" và từ cảm "độc chưa" đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi sầu oán của cung nữ. Trong lời than, tiếng oán còn có tiếng thở dài não nuột:
"Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn này ai để giết nhau.
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa !"
Nàng trách nguyệt lão xe duyên. Nàng đau khổ cho tình duyên dở dang. Nàng oán hận, muốn đập phá, "muốn rứt tơ hồng", "muốn đạp tiêu phòng mà ra", để tự giải phóng. Như con chim xanh muốn thoát cảnh lồng son gác tía để trở về với bầu trời tự do, ở đây nàng cung nữ cũng vậy. Nàng khao khát hạnh phúc và tự do. Nàng oán trách. Nàng phủ định:
"Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không ?
Đang tay muốn rứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !"
Ngày xưa, các gái đẹp, các giai nhân trong dân gian, hằng năm vẫn được tuyển chọn làm cung nữ. Trong số họ, đã có mấy người may mắn được trở thành thái phi, hoàng hậu như Dương Vân Nga, ỷ Lan, Đặng Thị Huệ,...
Chiếc bánh hạnh phúc có phải bao giờ cũng ngọt ngào ! Đâu chỉ có cung A Phòng bên Tàu, mà vua chúa nào cũng có hàng ngàn, hàng vạn cung tần mĩ nữ. Phần lớn họ phải sống cuộc đời cô đơn sầu muộn, nhan sắc và tuổi xuân phai tàn trong cung lạnh.
Đọc đoạn thơ trên đây, ta đồng cảm và thương xót cho sự đau khổ, nỗi sầu oán của người cung nữ. Đoạn thơ chứa chan tinh thần nhân đạo. Hồng nhan bạc mệnh là thế !
Đoạn thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Gia Thiều. Thơ song thất lục bát dưới ngòi bút ông đã đạt tới đỉnh cao của thể loại ngâm khúc trữ tình. Giọng thơ du dương, trầm bổng cuốn hút, hấp dẫn. Ngôn ngữ tinh luyện, giàu hình ảnh biểu cảm. Ngoài các thi liệu, điển tích, nhà thơ sử dụng phép đối rất tài hoa ở cặp câu song thất:
"Ngày sáu khắc / tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh / tiếng lắng chuông rền".
hay:
"Tranh biếng ngắm / trong đồ tố nữ,
Mặt buồn trông / trên cửa nghiêm lâu".
Các câu lục bát trong từng khổ thơ, đoạn thơ diễn tả tài tình nỗi đau, nỗi buồn, nỗi sầu oán của cung nữ. Câu 8 được tạo thành 2 vế tiểu đối đầy chất thơ:
	"Một mình đứng tủi, ngồi sầu,
Đã than với nguyệt / lại rầu với hoa".
	"Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm / để xơ nhuỵ vàng".
Người xưa đã từng ca ngợi "Cung oán ngâm khúc" "đẹp như ngọc lụa". Đoạn thơ đã chứng tỏ chất tài hoa và tình người của Nguyễn Gia Thiều.
Nguồn: Nhiều tác giả, 108 bài văn 10 chọn lọc, Nxb Tổng hợp TP. HCM

File đính kèm:

  • docCHINH PHỤ NGÂM.doc
Bài giảng liên quan